Quy trình bồi thường bảo hiểm xe PVI

Bồi thường luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của các chủ sở hữu phương tiện khi bắt đầu tham gia bảo hiểm. Bạn nhất định phải nắm rõ quy trình bảo hiểm xe ô tô PVI để các thủ tục bồi thường bảo hiểm diễn ra một cách nhanh chóng và thuận lợi.

1. Tiếp nhận yêu cầu xử lý bồi thường

Phía khách hàng:

Khi xảy ra tổn thất, Quý khách có thể liên hệ để yêu cầu xử lý bồi thường theo một trong các cách sau:

  • Đơn giản nhất, Quý khách liên hệ với Tổng đài dịch vụ khách hàng 24/7
  • Quý khách liên hệ với cán bộ kinh doanh (đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho Quý khách) để yêu cầu hỗ trợ.

Hãy cố gắng giữ bình tính khi chiếc xe của bạn gặp sự cố

Cập nhật: Ngày 15.01.2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 03.2021 qui định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01.03.2021 và thay thế Nghị định 103/2008, nghị định 214/2013.

Tiếp nhận thông tin khách hàng và xử lý

Tiếp nhận và xử lý:

Khi tiếp nhận yêu cầu xử lý bồi thường nêu trên của Quý khách, cán bộ tiếp nhận yêu cầu sẽ:

  • Ghi nhận một số thông tin cơ bản của quý khách như: tên, số điện thoại, số giấy chứng nhận bảo hiểm.
  • Chuyển tiếp thông tin của Quý khách đến bộ phận xử lý bồi thường của đơn vị đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho Quý khách xử lý (Đầu mối  là Ban Giám định Bồi thường, tại các Công ty thành viên của Phòng Giám định Bồi thường).
  • Ngoài ra, cán bộ tiếp nhận cũng có cung cấp cho Quý khách thông tin đầu mối xử lý bồi thường tại đơn vị để Quý khách liên hệ trực tiếp.

Trong mọi trường hợp, việc xử lý bồi thường của Quý khách sẽ được giao nhiệm vụ cho một Cán bộ Giám định Bồi thường cụ thể trực tiếp xử lý.

2. Tiến hành giám định tai nạn

Mọi tổn thất về tài sản (xe, hàng hoá…) sẽ được PVI hoặc đại diện của PVI tiến hành giám định trực tiếp với sự có mặt của chủ xe, lái xe hoặc người đại diện hợp pháp nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại. Chi phí giám định tổn thất do PVI chịu.

Chi phí giám định tổn thất do PVI chịu

Trường hợp PVI và chủ xe cơ giới không thống nhất được về nguyên nhân và mức độ thiệt hại thì sẽ trưng cầu giám định viên độc lập để tiến hành giám định. Trường hợp hai bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong hai bên yêu cầu Toà án tại nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của Chủ xe chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với hai bên. Nếu kết quả giám định của cơ quan giám định độc lập trùng với kết quả giám định của PVI thì chủ xe phải thanh toán phí giám định.

3. Lựa chọn phương án và khắc phục tổn thất

PVI có thể chịu trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế để sửa chữa, thay thế bộ phận bị tổn thất, hoặc trả tiền cho Chủ xe để bù đắp tổn thất trên cơ sở xác định được chi phí sửa chữa, khắc phục tổn thất có thể phải trả.

Trường hợp PVI chấp nhận bồi thường thay mới (bộ phận hư hỏng hoặc toàn bộ xe) thì những bộ phận hư hỏng hoặc xác xe thuộc quyền sở hữu của PVI; hoặc thu hồi giá trị còn lại của xác xe theo tỷ lệ giữa số tiền bồi thường của PVI và giá trị bảo hiểm (trường hợp bảo hiểm dưới giá trị, bảo hiểm trùng hoặc có sự tham gia bồi thường của bên thứ ba).

Bạn sẽ có quyền lựa chọn phương án khắc phục tùy vào mức độ hư hỏng của xe

Bồi thường tổn thất bộ phận.

  • Trường hợp xe được bảo hiểm với số tiền bảo hiểm dưới giá trị thực tế tại thời điểm tham gia bảo hiểm thì số tiền bồi thường được tính theo tỷ lệ giữa số tiền tham gia bảo hiểm với giá trị thực tế của xe tại thời điểm tham gia bảo hiểm.
  • Nếu xe tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm bằng hoặc cao hơn giá trị thực tế của xe tại thời điểm tham gia bảo hiểm thì bồi thường đúng bằng giá sửa chữa/thay thế nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm.
  • PVI bồi thường chi phí sơn lại toàn bộ xe nếu trên 50% diện tích sơn của xe bị hư hỏng do tai nạn.

Bồi thường tổn thất toàn bộ thực tế hoặc ước tính

  • Xe được coi là tổn thất toàn bộ khi bị mất cắp, bị cướp sau 60 ngày không tìm lại được hoặc chi phí sửa chữa thực tế của xe bị thiệt hại vượt quá 75% giá trị thực tế của xe tại thời điểm xảy ra tổn thất,
  • Nếu số tiền bảo hiểm bằng hoặc thấp hơn giá trị bảo hiểm thì số tiền bồi thường bằng số tiền bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.
  • Nếu số tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị bảo hiểm thì số tiền bồi thường bằng giá trị thực tế của xe khi xảy ra tổn thất.

Bồi thường trong trường hợp tổn thất toàn bộ như thế nào?

4. Hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường

Thông báo tai nạn, giấy yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới (theo mẫu do PVI cung cấp).

Bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc của đại diện của PVI các giấy tờ sau :

  • Giấy chứng nhận bảo hiểm;
  • Giấy phép lái xe;
  • Giấy chứng nhận đăng ký xe;
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường;

Bản sao bản kết luận điều tra tai nạn của Công an hoặc bản sao bộ hồ sơ tai nạn (có xác nhận của Công an nơi thụ lý tai nạn) (nếu có) bao gồm :

  • Sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông;
  • Biên bản khám nghiệm hiện trường;
  • Biên bản khám nghiệm xe liên quan đến tai nạn;
  • Biên bản giải quyết tai nạn giao thông;
  • Biên bản hoà giải (trong trường hợp hoà giải).
  • Bản án hoặc Quyết định của Toà án (trường hợp có tranh chấp tại Toà án).
  • Các biên bản, tài liệu xác định trách nhiệm của người thứ ba (trong trường hợp tổn thất do người thứ ba gây ra).
  • Biên bản giám định thiệt hại (nếu có).

Chú ý hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ để quá trình bồi thường diễn ra suôn sẻ

Các chứng từ xác định thiệt hại do tai nạn:

  • Đối với thiệt hại vật chất xe (Chương II) phải cung cấp thêm các chứng từ, hoá đơn liên quan đến việc sửa chữa, thay thế, hoặc mua mới. Biên bản mất cắp, cướp hoặc mất tích xe có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp xe bị mất, bị cướp).
  • Đối với thiệt hại hàng hoá (Chương III) phải có thêm các chứng từ xác định nguồn gốc, giá trị hàng hoá như: hợp đồng vận chuyển, hoá đơn, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, biên bản giao nhận hàng hoá ghi rõ khối lượng số lượng hàng hoá, biên bản xác định tổn thất giữa chủ hàng và chủ xe….
  • Đối với thiệt hại về người (Chương IV) phải có thêm các chứng từ y tế xác định tình trạng thương tích của nạn nhân như: Giấy ra viện, Bệnh án, Giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật. Giấy chứng tử, chứng từ chứng minh quyền thừa kế hợp pháp (trường hợp chết). Giấy uỷ quyền hợp pháp trong trường hợp uỷ quyền.

Trên đây là quy trình bảo hiểm xe ô tô PVI, những bước lần lượt để thực hiện việc giám định và bồi thường bảo hiểm ôtô. Để có thể hoàn thành các thủ tục bồi thường bảo hiểm ôtô một các nhanh chóng và thuận lợi nhất, bạn cần phối hợp chặt chẽ và tuân thủ với các quy định mà công ty bảo hiểm đề ra.